Bánh Chưng ngày Tết

Ngày cuối năm, trong tiết trời xuân se lạnh của gió mùa lại thêm cơn mưa rào làm con người cảm thấy có chút gì đó dao động. Có phải chăng trong những ngày tháng qua thế giới mà chúng ta có mặt đã chịu đau khổ bởi đại dịch covid. Có lẽ là như thế, con hằng niệm rằng những niềm đau đó sẽ được chuyển hóa bằng tình thương và sự hiểu biết về những gì mà chúng ta đã trải qua. Đó cũng là bài học mà ai cũng được học và thấy ra sự thật, chính là sự vô thường của sinh-già-bệnh-chết, là chân lý mà Đức Thế Tôn của chúng ta đã chỉ dạy.

Và Tết là cái gì đó quen thuộc, là hạnh phúc, với cảm giác được chăm sóc cho những người mình thương yêu: tự tay dọn dẹp lại nhà cửa, lau chùi, quét dọn mạng nhện và tự tay gói những chiếc bánh chưng dâng lên Tổ tiên …T hứ hạnh phúc ấy bình dị vô ngần, và ai cũng có thể có được. Tiếc là nhiều người lỡ hẹn, lãng quên!

Tĩnh tâm nhìn lại mình rõ nhất, không màu mè son phấn, mà mộc mạc như bông lúa vàng thơm bên đường năm tháng… Nhìn lại để biết trân quý chính bản thân mình, và tri ân những người đã gắn bó, thậm chí đôi khi chỉ thoảng ngang qua cuộc đời – nhưng ít nhiều đã góp công thành tựu nên mình của ngày hôm nay. Cả những người mình từng oán ghét, từng làm mình tổn thương…. thì Tết chính là giây phút dễ dàng nhất để khởi lên lòng bao dung thù thắng.

Như thế nào đi nữa thì một năm sắp qua, chúng ta ai ai cũng háo hức sắm sửa, trang hoàng trong ngôi nhà của mình những món ăn tinh thần và mâm cơm để dâng cúng Tổ tiên. Trong đó không thể không thiếu chiếc bánh chưng xanh, câu đối đỏ. Ông bà ta có câu“…Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.

Để làm ra được một chiếc bánh chưng thật sự ngon và đẹp, thì không thể không biết ơn đến những người đã ngày ngày chăm sóc bằng mồ hôi công sức, làm ra những chất liệu đầy đủ cho chiếc bánh. Với sự khéo léo chọn chất liệu, từ kinh nghiệm của bà con dân làng và các Phật tử trong đạo tràng cùng thanh niên, chúng con được hiểu thêm về cách làm bánh mà ông cha ta truyền lại. Bên ngoài là chiếc lá dong gói bánh có từ thiên nhiên, bên trong được chế biến từ nguồn nguyên liệu nấu ăn cội rễ của dân tộc: gạo nếp, đỗ xanh,tiêu,… Bánh muốn ngon thì phải chuẩn bị nguyên liệu thật chu đáo, gạo ngâm đãi thật kỹ, đậu xanh đồ vừa chín tới, gói xong phải luộc ngay bánh mới xanh. Để chiếc bánh vuông đẹp, “chín rền” thì lúc gói phải “đỗ trong gạo, gạo trong lá”, gói chặt tay, không cần ép mà bánh vẫn để được lâu. Khi vớt ra, bánh có màu sắc xanh dịu nhẹ của lá dong, có độ dẻo ngọt của nếp, vị thơm của đậu xanh, tất cả hòa quyện thành một món ăn vừa thơm ngon, vừa độc đáo. Khi ăn bánh chưng, người ta có thể chấm với nước mắm chay thật ngon, củ cải dầm hay dưa góp sẽ càng đậm đà, khó quên. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày lên dâng cúng Phật, Tổ thầy, tổ tiên dân tộc Việt. Đấy là tấm lòng mà chúng con muốn đem bày tỏ sự biết ơn.

“Lá xanh bọc gạo trắng ngần

Đậu vàng hãy nhớ biết ân Tổ thầy

Lạt mềm buộc chặt tâm này

Hóa trong mười tiếng bánh đầy vớt ra

Con mang dâng cúng Phật Đà

Vầng thơ ngày tết hoa đào sắc xuân”.

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận