Ngày 22, 23 tháng chạp năm Nhâm Dần, tại Tùng Lâm Hòa Phúc, chư Tăng và Phật Tử cùng nhau cử hành lễ Tạ Tam Bảo & Tảo Tháp và lễ Tống Thánh Quy Tây.
Nhằm giúp quý Phật Tử biết rõ được ý nghĩa của những ngày chuẩn bị Tết truyền thống của dân tộc và chuẩn bị Tết trong chùa, chư Tăng trụ xứ xin gửi tới quý Phật Tử bài viết “Theo dấu thời gian – hành trình chuẩn bị Tết, chào xuân Quý Mão”, được sư Phụ trù trì Tùng Lâm Hòa Phúc – Đại đức Thích Tâm Hòa – chỉ dạy:
Ngày 22 tháng chạp, theo truyền thống dân tộc, là ngày tảo mộ, con cháu sẽ tập trung về gia đình, cùng cha mẹ, ra phần mộ của tổ tiên để dọn dẹp, làm mâm cơm, dâng cúng Tổ Tiên. Đó là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” bao đời nay của dân tộc và cũng là truyền thống gắn kết các thế hệ với nhau trong gia đình tinh hoa văn hóa dân tộc Việt. Như Sư Phụ trụ trì nhận xét: “Sư Phụ đã đi rất nhiều nơi, nhưng chưa một quốc gia nào có một Tết truyền thống đẹp và ý nghĩa như dân tộc Việt”. Cũng vậy, ngày 22 tháng chạp, tại Tùng Lâm Hòa Phúc, thực hiện lễ Tạ Tam Bảo & Tảo Tháp, chư Tăng, Phật Tử trong đạo tràng, cùng nhau dọn dẹp trong chùa, khu vực Tháp Tổ, làm mâm cơm, dâng cúng Phật, Tổ, Thầy. Tứ chúng dành trọn thân tâm hướng về làm lễ Tạ ân Tam Bảo, Tổ Thầy, có mặt cho nhau, giúp đại chúng gắn kết, hòa hợp.
Ngày 23 tháng chạp, theo truyền thống dân tộc, là ngày tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời, gia đình sum họp cùng nhau làm mâm cơm, xôi chè, để dâng lên vị hộ thần trong gia đình, đồng thời dâng một chú cá chép để tiễn Ông về tiên giới, trình báo với Ngọc Hoàng về những việc thiện ác gia đình đã làm trong một năm vừa qua. Để rồi đến giao thừa, gia đình lại thỉnh mời ông Táo về với tư gia, tiếp tục bảo hộ cho gia đình. Ngày 23 tháng chạp, tại Tùng Lâm Hòa Phúc, là ngày Tống Thánh Quy Tây, chư Tăng và Phật Tử trong đạo tràng, cùng nhau làm mâm cơm, tụng thời kinh, để tiễn những vị Hộ Thần, Long Thiên Hộ Pháp của chùa về Tây Phương Cực Lạc, gặp đức Phật Di Đà. Để rồi đến giao thừa, chư Tăng lại thỉnh mời các vị Hộ Thần về lại chùa, tiếp tục bào hộ chư Tăng, bảo vệ Phật Pháp.
Như vậy, có những sự tương đồng rất lớn trong văn hóa truyền thống dân tộc và đạo Phật. Đạo Phật Việt Nam chính là những sự kết tinh từ bao thế hệ, là giềng mối để giữ gìn trọn vẹn truyền thống “Tôn Sư Trọng Đạo và Uống Nước Nhớ Nguồn” của ông cha ta.
Dưới đây là hình ảnh ghi nhận:
————————————-
Đại chúng đừng quên lịch cộng tu cuối cùng của năm Nhâm Dần nhé:
21h00 ngày 21/01/2023 – 01h30 ngày 22/01/2023 (30/12/Nhâm Dần – 1/1/Quý Mão): Giao thừa Nghinh Xuân Khai Hội Di Lặc.

TIN MỚI ĐƯA

Trả lời