Lịch Sử Tùng Lâm Hòa Phúc
Tùng Lâm Hòa Phúc (tên chữ: Hòa Phúc Tự), tọa trên gò Kim Quy, lưng tựa Tản Viên Sơn, mặt hướng dòng Tích Giang, bên cạnh ngôi Đền Trúc Đóng, dưới bóng cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Thế đất “Rồng chầu Hổ phục”, hội tụ khí thiêng trời đất, ôm trọn văn hiến ngàn đời, nuôi dưỡng anh tài Lạc Việt. Sử chép rằng, đất thiêng xưa tục gọi là “Thất Tinh Hạ Phàm”, tức bảy ngôi sao từ trời cao giáng hạ, tạo nên bảy gò, ngăn cách nhau bởi dòng suối và con sông.
Vào thời Hai Bà Trưng (14-43), vùng đất này thuộc địa giới của Chu Diên – cứ địa hoạt động của nghĩa quân anh hùng Thi Sách (?–40), phu quân của Nữ vương Trưng Trắc. Đến thời vua Lê Thánh Tông (1442-1497), nơi đây được sắc chỉ làm nơi cải táng và phụng thờ hương khói cho Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Nguyễn Trực (1417-1473).
Sử chép:
“Ngày 13 tháng 7 năm Giáp Thìn (1484), vua cho cải táng, đưa về khu Ao Đế, thôn Đại Lại, xã Bạch Thạch, huyện Mỹ Lương, phủ Quảng Oai (nay thuộc xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai).”
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Sơn Tây chép rằng tên huyện Mỹ Lương bắt đầu xuất hiện từ thời Trần (1009-1225). Đây là bộ sách có niên đại sớm nhất ghi chép về huyện Mỹ Lương. Huyện này thuộc phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, tiếp tục tồn tại đến những năm 1880.
Sách Đồng Khánh địa dư chí (do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn và hoàn thành năm 1887) ghi nhận: Tháng 4 năm 1888, theo lệnh của Thống sứ Bắc Kỳ, huyện Mỹ Lương bị chia tách, sau đó hợp với huyện Chương Đức của tỉnh Hà Nội để thành lập huyện Chương Mỹ, đặt trụ sở tại Quảng Bị.
Đầu thế kỷ 20, tổng Dã Cát có bảy xã ứng với bảy gò, tục gọi là bảy ngôi sao, gồm: Dã Cát, Hòa Mục, Bạch Thạch, Quất Lâm, Bằng Lộ, Phú Mãn, Đào Lãng. Sau đó, bốn xã Dã Cát, Hòa Mục, Bạch Thạch, Phú Mãn được chuyển sang tổng Cấn Xá, huyện Yên Sơn.

Lịch sử hình thành và phát triển Tùng Lâm Hòa Phúc
Tùng Lâm Hòa Phúc ra đời từ rất sớm, song do biến thiên thời cuộc và chiến tranh tàn phá, mãi đến năm 1990, nhân dân địa phương hai giới các cụ phục dựng lại bằng mái tôn tre nứa. Sau đó, chùa được tỉnh Hà Tây cấp phép xây dựng trên khuôn viên khiêm tốn nhưng vẫn trang nghiêm, tố hảo. Đặc biệt đây cũng là nơi hội tụ và lan tỏa tinh thần tu học chánh pháp, giữ gìn và phát huy nếp sống văn hoá của dân tộc Việt dựa trên tư tưởng giáo dục Phật giáo. Đúng như tinh thần Phật giáo thời Lý – Trần:
“Phật pháp không rời thế gian.”
Bước sang thế kỷ 21, được sự gia hộ của Tam Bảo, Chư Tổ Sư, Hòa thượng Ân Sư, chư Tăng tông phong Hoằng Pháp, cùng sự hộ niệm của chư vị Thần linh, Thành hoàng Bản thổ, Tỳ kheo Thích Tâm Hòa hiệu Vô Trí cùng hai giới các cụ xóm 3, xóm 4, xóm 5 và một phần xóm Gò Rùa, quý nhân sỹ trí thức, quý ân nhân ngoại hộ, quý nam nữ cư sỹ và nhân dân phật tử đạo tràng Tịnh độ Niệm Phật Tùng Lâm Hòa Phúc nên các công trình dần hoàn thiện đi vào hoạt động đáp ứng nguyện vọng tu học của nhiều thế hệ tầng lớp nhân dân trong và ngoài địa phương.
Các dấu mốc quan trọng
- Năm 2010: Xây dựng Nhà Tứ Ân, Nhà Vãng Sinh, lầu Quán Thế Âm.
- Năm 2012: Xây dựng Giảng đường Ngộ Chân Tử, Cổng Tam Quan, mua đất mở rộng diện tích.
- Năm 2014: Xây dựng Tòa Tam Bảo, khu Nội viện.
- Năm 2018: Xây dựng Tháp Xá Lợi Vạn Phật Hòa Bình, Nhà Khách Ni, nhà ở Phật tử.
- Năm 2020: Xây dựng Nhà thờ Mẫu, Đại tượng Quán Âm Bồ Tát, và các hạng mục phụ trợ như Ao Thất Bảo, Vườn Lâm Tỳ Ni, Tháp Tổ, Bia Đá, Sân A Di Đà…
Tùng Lâm Hòa Phúc trong kháng chiến
Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, Tùng Lâm Hòa Phúc cũng như bao ngôi chùa khác đã bị chiến tranh hủy hoại cho đến một viên gạch, một mảnh ngói cũng không còn. Tuy nhiên, dù chỉ còn lại đống tro tàn, nhưng trong tâm thức người Việt đều không quên nguồn cội Tổ tiên xưa với hình ảnh mái chùa vẫn mãi thiêng liêng, gần gũi, hiền hòa:
“Chùa là mái ấm của dân ta
Chùa giữ tình quê nghĩa đậm đà
Chùa mang hơi ấm cho nhân loại
Chùa vẫn muôn đời, ôi thiết tha.”
(Vô Trí – Tâm Hòa)
Quá trình trùng tu kéo dài hơn một thập niên qua và tiếp tục mãi về sau vẫn luôn giữ vững định hướng: “Phật bảo là mái nhà, Pháp bảo là nền móng, Tăng bảo là sự sống”, hòa quyện cùng tinh thần dân tộc ngàn năm bất diệt.
Vì vậy, đến cùng tận vị lai, Tùng Lâm Hòa Phúc mãi mãi là ngôi nhà chung, là nơi nương tựa tu hành của bậc xuất thế, cũng là nơi đi về của bách gia trăm họ.
Kính mong ai có tâm hữu duyên đọc những dòng này hãy cùng nhau phát nguyện hộ trì, tu hành chánh đạo. Đừng vì tư riêng, bè phái hơn thua mà biến chùa thành chợ, thay đạo bằng đời, khiến chốn thiêng nhuốm mùi tục lụy thì thật đáng xót thay!
Ngày lành tháng tốt năm Quý Mão
TRỤ TRÌ BẢN TỰ
Sa môn Tâm Hòa hiệu Vô Trí
Cẩn soạn