Lầu Quán Thế Âm là nơi thờ Đức Bồ Tát Quán Thế Âm – vị Bồ tát được ví như người mẹ hiền của chúng sinh nơi cõi Ta bà.
Lầu Quán Thế Âm Chùa Hoà Phúc toạ lạc trên mặt hồ Hoà Thạch (hồ Quán Thế Âm), được xây dựng lần đầu vào năm 2009, trùng tu nâng cấp năm 2016. Bao gồm hai phần chính: Lầu Quán Thế Âm và Cầu Mười hai con giáp (Thập nhị chi)
Lầu có kiến trúc hình bát giác, tám cột, hai tầng, mười sáu mái. Bên trong có an vị tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cao gần 3m. Tôn tượng được đặt trên tòa hoa sen có bệ đỡ bằng đá đục, chạm hoa văn sóng nước. Sau tượng có bức “Hỏa quan” với mặt trước có chữ “Nam mô cứu khổ cứu nạn đại từ đại bi Quán Thế Âm Bồ tát”, phía sau có khắc bài “Chú Đại Bi” phiên âm Việt ngữ. Nhìn tổng thể, Lầu Quán Thế Âm tựa như một hoa sen hiện lên giữa mặt hồ, xa xăm là những dãy núi hùng vĩ thuộc quần thể núi Ba Vì huyền thoại. Thánh tượng mẹ hiền Bồ tát Quán Thế Âm thị hiện trên toà diệu pháp liên hoa, một tay kết ấn Vô Úy (không sợ hãi), một tay nâng bình nước cam lồ. Đôi mắt từ bi nhìn thấu nỗi khổ, niềm đau, lắng nghe tiếng kêu của chúng hữu tình mà cảm ứng cứu độ. Hình tượng Ngài đã hoà quyện vào khung cảnh sơn thuỷ hữu tình của mảnh đất xứ Đoài, góp phần trau dồi thêm lòng tin của hàng Phật tử khi đến chiêm ngưỡng và đảnh lễ trước tôn tượng thiêng liêng.
Lầu Quán Thế Âm trước khi trùng tu
Đường dẫn vào nơi an vị tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát là “Cầu Mười hai con giáp”, có chiều dài gần 20m, bắt đầu từ bậc tam cấp với đôi “Phượng Hoàng” mềm mại, trang nghiêm chầu hai bên. Dọc theo chiều dài cầu là tượng mười hai con giáp với tạo hình thân thiện, sinh động. Hệ thống con giáp được bố trí theo chiều kim đồng hồ từ trái qua phải, theo hướng nhìn của tôn tượng Quán Thế Âm. Mười hai con giáp chầu dưới chân tôn tượng Quán Thế Âm, tượng trưng cho hình tượng chúng sinh quay đầu về nương tựa nơi mẹ từ bi. Đây là sự kết hợp hài hoà giữa tinh thần Phật giáo và triết học phương Đông, thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo. Cầu Mười hai con giáp vừa có giá trị về mặt thẩm mỹ, vừa mang ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với mỗi con người khi về chùa tham quan, lễ Phật.