Có đi xa, có rời bỏ, ta mới thấu hiểu được nỗi niềm của những người con Việt Nam xa xứ, ai cũng luôn hướng về đất mẹ như một điểm tựa vững chãi, bình an nhất là trong mùa đại dịch mà cả thế giới đang phải sợ hãi, kinh hoàng. Họ xúc động và tự hào biết bao trước tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, sự đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, luôn che chở đùm bọc lẫn nhau của những người con Việt.
Và hơn ai hết, hơn bất cứ khi nào, họ trăn trở giữa sự lựa chọn “ở lại” hay “trở về” quê hương trong tình cảnh hiện nay??? “Về” là tránh được vùng dịch hiện tại họ đang ở, về để được an toàn nhưng “Về” cũng là thêm gánh nặng cho quê hương? Nên “Ở” hay “Về”? Nơi đâu mới là thật sự an toàn???
Mời quý vị cùng đọc và chia sẻ với cách suy nghĩ và câu trả lời về “Nơi nào mới thật sự an toàn ở thời điểm hiện tại của Phật tử Liên Châu từ Australia, cũng là tâm trạng của một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài khi dịch bệnh đang bao trùm khắp mọi nơi.
Melbourne, ngày 18 tháng 3 năm 2020
Gửi quê hương thân yêu,
Những ngày này, một người con xa quê như tôi có vô vàn cảm xúc lo lắng, suy tư và đặc biệt là nhớ nhà. Rất nhiều người suy nghĩ liệu có nên bỏ lại cuộc sống nơi đất khách, gác lại tương lai không rõ ràng này để trở về nước. Ở thời điểm này, mọi di chuyển đều bị hạn chế tối đa, và nếu có trở về tôi biết mình cũng không thể làm gì tốt hơn cho gia đình và đất nước lúc này, mà ngược lại trở thành một gánh nặng. Vậy nên, tôi kiên quyết gạt bỏ những suy nghĩ “từ bỏ”, “trở về” ra khỏi đầu, và sốc lại tinh thần mình một lần nữa.
Thật ra, về Việt Nam lúc này có lẽ sẽ còn an toàn hơn nhiều cho bản thân tôi. Theo dõi thời sự và tin tức, tôi tự hào và cảm phục ý chí và sự đoàn kết của người dân nước mình trong những ngày “chống dịch như chống giặc”. Là một đứa trẻ không biết tới chiến tranh, không có khái niệm về những cuộc đổ máu sinh tử, đạn bom súng ống, nếu không có đại dịch Covid-19 này, có lẽ tôi sẽ không bao giờ được thấy tinh thần chiến đấu quả cảm đã trở thành biểu tượng của dân tộc. Đội ngũ chiến sĩ, bác sĩ và nhân viên y tế ở các tuyến đầu của bệnh dịch đang chiến đấu với kẻ thù để giành lấy sức khỏe, sinh mạng và bình an cho người dân, chẳng khác nào những người lính thời cha ông ta từng cầm súng, cầm gươm chiến đấu với quân địch để giành lại độc lập. Những con người ấy đã quên ăn, quên ngủ, luôn sẵn sàng ứng biến với mọi trường hợp khẩn cấp, để đi đầu trong công tác phòng dịch. So với những cường quốc Mỹ, Pháp, Úc, v.v. với thái độ chủ quan, xem nhẹ, Việt Nam ngay từ ban đầu đã có công tác phòng chống quyết liệt hơn rất nhiều. Và chính điều đó khiến chúng ta giờ đây ở một tâm thế lạc quan hơn nhiều các đất nước hùng mạnh khác.
Mùa đại dịch cũng là lúc chúng ta thể hiện tấm lòng nhân ái vì cộng đồng, vì cái chung hơn là đề cao ích kỷ cá nhân. Nếu ở đây người ta còn tranh giành nhau từng cuộn giấy vệ sinh, thì ở Việt Nam có những tấm lòng hảo tâm quyên góp để may khẩu trang phát miễn phí cho người dân, kêu gọi nhau tự nguyện cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác. Tinh thần cộng đồng của người Việt chưa bao giờ mạnh mẽ và đáng tự hào hơn lúc này. Trong khi đó, xã hội phương Tây đề cao chủ nghĩa cá nhân, khiến con người ta trở nên ích kỷ, chỉ chăm chăm bảo vệ quyền lợi của mình và giành giật sự sống cho bản thân, trong khi những người yếu thế hơn, cần sự giúp đỡ hơn thì lại phải tự mình đánh vật trong cơn hoảng loạn chung. Những giá trị văn minh, bác ái, vị kỷ mà họ luôn giao giảng và tôn thờ tưởng chừng có thể sụp đổ trong chốc lát khi họ chen chân tranh cướp những món đồ nhu yếu phẩm ở siêu thị, mặc cho người già, người tàn tật bị bỏ lại phía sau. Người dân Việt Nam thì có thể an tâm cách ly tại nhà, trong khi chính quyền điều động xe và người tới phân phát lương thực, đồ dùng hàng ngày để cùng người dân vượt qua khủng hoảng. Còn người phương Tây thì chỉ có thể tự trông cậy vào bản thân. Việc duy nhất chính phủ của họ có thể làm là “nhắc nhở”, là “khuyến cáo”, là “yêu cầu”, và phần lớn hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự giác của mỗi người.
Vậy nên, chúng ta có thể còn những thiếu sót và hạn chế, nhưng một trận đại dịch làm chao đảo toàn cầu này lại cho thấy con người Việt Nam mạnh mẽ hơn bản thân chúng ta vẫn tưởng rất nhiều. Chúng ta nên tự hào rằng bản tính nhân ái và lạc quan của người Việt đang giúp chúng ta vượt qua một cơn chấn động toàn cầu. Hãy ngẩng cao đầu với các nước bạn rằng: Đừng chỉ biết đến đất nước tôi với những món ăn ngon, chỗ nghỉ đẹp, hay cuộc sống giản đơn nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi cho các bạn hưởng thụ. Chúng tôi có những phẩm chất cao đẹp và văn hóa của riêng chúng tôi. Và hơn hết, con người Việt Nam chúng tôi chưa từng biết khuất phục trước bất kì đối thủ nào, dù đó có là một gã khổng lồ hay mẹ thiên nhiên vĩ đại.
Dù vậy, chúng ta cũng hãy nhìn nhận lại mình và đừng quá tự mãn. Chúng ta đang làm rất tốt, nhưng chúng ta vẫn có thể làm tốt hơn.
Tinh thần chiến đấu
Chúng ta phải cảm kích đội ngũ y bác sĩ và chiến sĩ đã, đang và sẽ tiếp tục chiến đấu trong thời gian dài cho tới khi dịch bệnh bị dập tắt hoàn toàn. Đây sẽ là một cuộc chiến dai dẳng, và Covid-19 chắc chắn sẽ không phải đại dịch cuối cùng loài người phải đối mặt. Chúng ta cần tiếp tục kiên trì, bền bỉ và đề cao tinh thần cảnh giác. Cũng giống như trong mọi cuộc chiến, nếu chúng ta sơ hở, thì quân địch có thể tràn lên và phản công bất kì lúc nào. Mọi người dân là một chiến sĩ, những ai còn ở tiền tuyến đều cần giữ vững tinh thần. Tôi chỉ có thể là hậu phương từ xa dõi theo và hỗ trợ trong khả năng hạn chế. Nhưng tôi tin dân tộc ta đã từng chiến thắng nhiều kẻ thù mạnh hơn ta rất nhiều lần, còn đây là một đại dịch toàn cầu đều cùng nhau đối mặt. Chúng ta có chung một kẻ thù, và đây không phải là một cuộc chiến của một dân tộc, một đất nước mà là của cả nhân loại. Vậy nên chúng ta có những đồng minh khác cùng ta chiến đấu không ngừng nghỉ. Vậy thì chẳng có lý do gì mà chúng ta không chiến thắng.
Ý thức với bản thân
Chúng ta cần phải hiểu rõ lúc này là khi tinh thần “một người vì mọi người, mọi người vì một người” được áp dụng triệt để nhất. Nghiêm túc với bản thân mình, nhìn nhận đúng đắn và có hiểu biết để hợp tác với chính quyền là bảo vệ sức khỏe và an toàn cho bản thân đầu tiên, sau đó mới tới cộng đồng. Dịch bệnh có thể không có tỷ lệ tử vong cao, nhưng việc lây nhiễm sẽ khiến chúng ta phải đánh đổi nhiều giá trị quan trọng khác: thời gian, tiền bạc, công sức và quan trọng nhất là sức khỏe. Chúng ta sẽ không lấy lại được những hao tổn về sức khỏe và những khoảng thời gian bị lãng phí vô ích. Nếu mỗi người không tự bảo vệ và có trách nhiệm với chính bản thân, thì mất mát của cả cộng đồng sẽ tăng lên theo cấp số nhân.
Ý thức với cộng đồng: cơn hoảng loạn và hiệu ứng đám đông
Việc bảo vệ bản thân không có nghĩa là xa lánh, cắt đứt mọi liên hệ với cộng đồng. Chúng ta vẫn hàng ngày hàng giờ cập nhật, trao đổi thông tin và tác động lên cảm nhận, giác quan của những người khác, dù không trực tiếp. Việc đưa thông tin sai lệch, gây hoang mang, hoảng loạn sẽ tác động tiêu cực lên tâm trạng, suy nghĩ của người khác và làm ảnh hưởng tới đám đông xung quanh mà chắc chắn bao gồm cả ta trong đó. Vậy nên, trước khi phát ngôn hay chia sẻ bất cứ điều gì, chúng ta hãy cân nhắc và tự hỏi: chúng ta làm vậy với mục đích gì? Điều đó có lợi cho bản thân chúng ta không? Vì sao? Điều đó có lợi cho những người xung quanh không?
Sống chậm, sống tỉnh thức, sống ý nghĩa hơn
Nhìn thấy anh trai tôi bỗng nhiên có nhiều thời gian dành cho gia đình, con cái, tạm gác lại những bộn bề trong công việc và cuộc sống, tôi nhận ra đại dịch lại vô tình trở thành một cơ hội tốt để thay đổi lối sống nhanh, sống vội, sống dựa vào người khác và hướng tâm quá nhiều ra bên ngoài của con người trong xã hội hiện đại. Nếu chúng ta không bị cách ly, không bị giới nghiêm, không bị phong tỏa, chúng ta sẽ vẫn tiếp tục lối sống ấy: ăn chơi thâu đêm suốt sáng, bù khú tụ tập linh đình, chi tiêu hoang phí, hoặc lao đầu làm việc điên cuồng,… Đại dịch Covid-19 bắt chúng ta phải hủy bỏ các buổi tụ tập, hội họp dù là vì mục đích công việc hay xã hội, bắt chúng ta phải ở nhà và bớt dành thời gian cho các mối quan hệ bên ngoài. Điều đó tưởng chừng tẻ nhạt, vô vị tới nỗi chúng ta nghĩ mình có thể chết vì buồn chán. Nhưng chúng ta vẫn đang sống rất tốt, và thậm chí là tốt hơn cả trước khi đại dịch diễn ra đó thôi? Hãy nghĩ mà xem, thay vì những bữa tiệc bên ngoài, chúng ta quay về với bữa cơm gia đình, ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ. Chúng ta được khuyến khích vận động, rèn luyện thân thể để nâng cao sức khỏe, thay vì những khẩu hiệu hô hào làm việc “hăng say hơn, tích cực hơn, năng suất hơn”. Tất cả những điều đó là cơ hội để chúng ta thiết lập lại đồng hồ sinh học của mình, chỉnh đốn lại trật tự cuộc sống của mình. Và quan trọng hơn, chúng ta có nhiều thời gian cho chính bản thân để lắng nghe mình. Chúng ta sẽ nhận ra cuộc sống của chúng ta đâu cần rất nhiều thứ chúng ta vốn tưởng không thể sống thiếu chúng. Tất cả những thứ mà chúng ta vẫn thường làm chẳng qua chỉ là những thứ chúng tamuốn chứ không thực sự cần. Bởi vì trong thời điểm phải loại bỏ những thứ thừa thãi và chỉ giữ lại những nhu cầu thiết yếu, thì chúng ta nhận ra những thứ xoay quanh cuộc sống hằng ngày chỉ là những điều xa xỉ phù phiếm mà thôi. Bản thân ta hoàn toàn có thể sống thiếu chúng. Nhưngchúng ta lại cứ mãi bám víu vào đó như lẽ sống, viện ra đủ lý do để nuôi dưỡng sự ham muốn vô độ của bản thân, trong khi chúng ta hoàn toàn không cần những thứ đó để sống tốt và sống đẹp.
Tại thời điểm này, khi chúng ta bị cách ly và giới hạn những tiếp xúc trực tiếp với cộng đồng, tavẫn có thể lan tỏa sự sẻ chia, những năng lượng tích cực. Mạng xã hội từng là thứ vũ khí để cho những “anh hùng bàn phím” khẩu chiến và chà đạp người khác để kéo bản thân mình lên, nhưng giờ nó là phương tiện duy nhất để chúng ta kết nối một cách thực sự. Chúng ta không thể tiếp xúc, không thể ôm hôn, bắt tay, thậm chí là đứng quá gần nhau nữa. Vậy thì hãy biến thứ “vũ khí” kia trở thành một món “lễ vật” để trao tặng cho người khác. Hãy nhớ rằng chúng ta không phải kẻ thù, mà là đồng minh trong cuộc chiến đấu của cả thế giới để chống lại con virus tinh quái này. Vậy thì chúng ta cần phải trao tặng nhau những sự chân thành để càng thêm gắn kết, sẻ chia để cùng nhận lấy yêu thương và trút bỏ phiền muộn, và quan trọng nhất là kiến thức để cùng nhau tiếp tục phát triển và tiến về phía trước, không bỏ mặc ai tụt lại phía sau.
Thay đổi, thích nghi và sinh tồn
Cuộc đại dịch giống như một cuộc thanh trừng quái ác, nhưng thực chất là một cơ chế chọn lọc của tự nhiên. Chúng ta đã tàn phá môi trường, thiên nhiên quá nhiều. Tất cả các đại dịch, bệnh tật, thiên tai mà chúng ta đang phải đối mặt chính là hệ quả tất yếu của những sai lầm của chính chúng ta. Nếu con người vẫn tiếp tục coi thường và sống bạt mạng, chúng ta sẽ tự vẽ ra một kết cục còn bi thảm hơn rất nhiều trong tương lai không xa. Chúng ta không thể tiếp tục sống thờ ơ, không quan tâm và coi như những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường là việc “nhà người ta” mà chúng ta không cần can thiệp. Vì như chúng ta đang chứng kiến, chính chúng ta là những người chịu hậu quả và tổn thất nặng nề nhất. TẤT CẢ chúng ta, không trừ bất kì một ai.
Mọi quốc gia từ giàu đến nghèo đều phải đối mặt với những vấn đề chung. Và chúng ta không thể tiếp tục dửng dưng hay chờ đợi sự cứu trợ từ những người khác. Chúng ta cần phải hành động ngay hôm nay, ngay lúc này để thay đổi, thích nghi và sinh tồn. Khi môi trường sống và xã hội liên tục thay đổi, và đại dịch Covid-19 là minh chứng rõ ràng nhất cho những biến đổi liên tục mà con người trong thế kỷ 21 cần phải thích nghi, chúng ta không có quyền lựa chọn và không thể tiếp tục bàng quan được nữa. Để sinh tồn trong “cuộc chọn lọc tự nhiên” này, ta cần phải thay đổi những thói quen sinh hoạt và làm việc của mình. Chúng ta giờ đây cần học và làm việc tại nhà, trao đổi qua điện thoại hoặc internet. Điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng giao tiếp của chúng ta, tới những mối quan hệ trong xã hội. Nhưng chúng ta cần phải chấp nhận thách thức ấy và cùng nhau tìm phương án để giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. Đại dịch lần này không chỉ là một cơn khủng hoảng y tế, kinh tế hay chính trị, mà nó còn là cơn khủng hoảng về niềm tin, về giá trị của cả nhân loại. Chúng ta không thể một mình vượt qua, dù chúng ta có mạnh mẽ tới đâu. Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia châu Âu đều đang đối mặt với những hậu quả khủng khiếp dù họ có là cường quốc hùng mạnh. Vậy nên người Việt Nam chúng ta lại càng phải cố gắng, càng phải bứt phá hơn để có thể thích nghi và sinh tồn trong cuộc chiến khốc liệt này. Chúng ta có những đồng minh khác, nhưng bản thân chúng ta phải cố gắng. Hãy cùng vực nhau dậy, chứ đừng dìm nhau xuống. Giữa những đồng bào cùng chung dòng máu dân tộc, hãy thương yêu, san sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Hãy cùng nhau học hỏi, tiến bộ để chạy đua với những thay đổi không ngừng của thế kỷ. Thế hệ trẻ có trong tay những đặc quyền lớn để làm điều này tốt hơn ai hết: đó là sức khỏe và thời gian. Cũng giống như trong đại dịch lần này, chúng ta là những đối tượng được tự nhiên chọn lọc để sinh tồn, chúng ta có khả năng miễn dịch và bình phục tốt hơn rất nhiều so với các thế hệ trước. Trong cuộc đua tới tương lai của nhân loại, chúng ta đang nắm trong tay cây gậy tiếp sức. Vậy nên chúng ta cần tiếp tục là những người đi đầu và dẫn đoàn, cần giữ quyết tâm và nhiệt huyết, và luôn hướng tới đích đến phía trước. Sẽ còn rất nhiều người ở phía sau hỗ trợ, theo sát và ủng hộ chúng ta. Nhưng chúng ta là những người được trao cả tương lai của nhân loại, vậy thì hãy sống đúng với đặc quyền và trách nhiệm ấy.
Hãy bình tĩnh và kiên nhẫn…
Đây là khoảng thời gian khó khăn và biến động với cả thế giới chứ không riêng mình chúng ta.Chúng ta cần hành động ngay để thay đổi những tư tưởng sai lệch và ích kỷ, nhưng không có nghĩa chúng ta phải hoảng loạn và thiếu bình tĩnh. Chẳng ai muốn mình trở thành người bị thiệt, nhưng nếu tất cả chỉ vì lợi ích cá nhân thì tất cả sẽ cùng chịu thiệt. Nếu bạn hoài nghi, lo lắng và trăn trở về tương lai của cá nhân mình, thì chính phủ còn phải suy tư, lo nghĩ cho tương lai của hàng triệu, hàng tỷ con người khác. Nếu tất cả cùng đồng lòng và hợp tác với những người đồng minh của mình, thì chúng ta – cả nhân loại – sẽ thắng trong cuộc chiến này. Hãy nhìn lại lịch sử thế giới, để xem ngay cả những kẻ mạnh nhất, một khi bị cô lập, liệu còn có thể đối phó lại với cả một đôi quân đồng minh cùng chung sức, chung lòng hay không?
Lúc này đây, đừng hoảng loạn. Hãy học cách bình tĩnh và kiên nhẫn. Chẳng có nơi nào là “an toàn hơn” hay “an toàn nhất” cho bạn khi tất cả mọi người đều phải sống trong mối đe dọa cả. Chúng ta vẫn đang nỗ lực để tìm cách giải quyết. Thay vì trốn chạy, bạn cần phải học cách đối mặt với vấn đề. Mà vấn đề thì đang bùng nổ ở mọi nơi, bạn chạy đi đâu cũng chẳng thể trốn thoát nổi. Vậy nên, tốt hơn hết cứ ở nguyên chỗ đó đi thôi!
Dẫu biết “Đi để trở về”, tôi cảm thấy lúc này chưa phải thời điểm thích hợp. Ra đi là một lựa chọn, và lựa chọn nào cũng có những cái giá phải trả đi kèm theo. Đúng là những lúc như thế này nỗi nhớ nhà lại càng da diết, nhưng tôi tin ở lại lúc này sẽ là lựa chọn tốt hơn cho bản thân, và cho cả quê hương. Tôi sẽ tiếp tục bước những bước vững vàng trên con đường mình đang đi, để khi trở về, tôi sẽ là một phiên bản tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn, đáng tự hào hơn để xây dựng chứ không tàn phá, để đóng góp chứ không ỷ lại, và để nâng đỡ chứ không dựa dẫm.
Việt Nam ơi, hẹn một ngày không xa…
Từ: Một người con xa quê hương Việt Nam!
TIN MỚI ĐƯA
Lễ Khai Mạc Khóa Tu – Khai Đàn Kinh Vô Lượng Thọ và Truyền Quán Đỉnh Phật A Di Đà 2024
Th12
THƯ MỜI THAM DỰ KHÓA CỘNG TU PHẬT THẤT TRUYỀN THỐNG – HƯỚNG VỀ KHÁNH NHẬT ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ
Th12
LỄ TƯỞNG NIỆM 716 NĂM ĐỨC PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG NHẬP NIẾT BÀN
Th12
CỘNG TU MỘT NGÀY AN LẠC THÁNG 10 – NĂM GIÁP THÌN
Th11
(VIDEO) NHỮNG KHOẢNH KHẮC THIÊNG LIÊNG TRONG LỄ NHẬP KINH CHÉP TAY AN VỊ TRÊN BẢO THÁP VẠN PHẬT XÁ LỢI HÒA BÌNH
Th11
(VIDEO) LỄ TIÊN THƯỜNG – TƯỞNG NIỆM SƯ TỔ KHAI SƠN TÔNG PHONG HOẰNG PHÁP NĂM GIÁP THÌN – 2024 TẠI TÙNG LÂM HÒA PHÚC
Th11
LỄ SÁM HỐI SÁU CĂN VÀ ÔN TỤNG NĂM GIỚI 14/10/GIÁP THÌN
Th11
TÂM THƯ: LỜI TRI ÂN ĐẾN QUÝ PHẬT TỬ ĐÃ TRỢ DUYÊN TRONG LỄ TƯỞNG NIỆM SƯ TỔ KHAI SƠN TÔNG PHONG HOẰNG PHÁP LẦN THỨ 36
Th11
Ngược dòng cố hương – Lễ tưởng niệm lần thứ 36 ngày cố lão Hòa thượng Ngộ Chân Tử, Tổ khai sáng Tông Phong Hoằng Pháp viên tịch.
Th11
Lễ Tiên Thường – Hướng về Lễ Tưởng Niệm Sư Tổ Khai Sơn Tông Phong Hoằng Pháp – ngày 12/10 Âm Lịch tại Tùng Lâm Hòa Phúc
Th11
XIỂN DƯƠNG CHÁNH PHÁP – BÁO ĐỀN ÂN ĐỨC
Th11
KHAI GIẢNG LỚP GIÁO LÝ PHẬT PHÁP CĂN BẢN
Th11
LỄ XUẤT GIA GIEO DUYÊN VÀ PHÁT BỒ ĐỀ TÂM 01/10/GIÁP THÌN
Th11
CỘNG TU MỘT NGÀY AN LẠC THÁNG 09 NĂM GIÁP THÌN
Th10
Ảnh chụp tại ga trung tâm Đài Bắc, Đài Loan
Th10
Buổi cộng tu tại chùa Linh Ẩn – Đài Bắc- Đài Loan
Th10
LỄ NGŨ BÁCH DANH KỶ NIỆM NGÀY BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM XUẤT GIA 19/9/ GIÁP THÌN
Th10
Đồng lòng, chung sức góp công góp của mở rộng đường vào Chùa Hòa Phúc chuẩn bị LỄ GIỖ TỔ (11-12/10 Giáp Thìn)
Th10
Chương trình “TRAO TẶNG QUÀ TỚI NGƯỜI DÂN VÙNG BỊ ẢNH HƯỞNG SAU BÃO YAGI”
Th10
CHỐN THIÊNG BÌNH YÊN NƠI ĐỊA ĐẦU TỔ QUỐC – QUỲNH NHAI CAM LỘ TỰ
Th10
TÂM LINH, GẮN KẾT VÀ TRI ÂN -KHÓA TU KẾT TÌNH HUYNH ĐỆ QUỲNH NHAI CAM LỘ TỰ
Th10
ÁNH NẾN TƯỞNG NIỆM – TÌNH THƯƠNG CÒN MÃI – KHÓA TU KẾT TÌNH HUYNH ĐỆ QUỲNH NHAI CAM LỘ TỰ
Th10
CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU NHÂN DÂN – KẾT TÌNH HUYNH ĐỆ TẠI KHU VĂN HÓA TÂM LINH QUỲNH NHAI CAM LỘ TỰ P1
Th10
CHƯƠNG TRÌNH THIỆN NGUYỆN TẠI QUỲNH NHAI – SƠN LA
Th10