Đối diện bệnh khổ là phương pháp tu

 

Trong Kinh tạng Nam truyền, Đức Phật dạy về 3 pháp bất như ý đó là bệnh, già và chết.

Vì sao gọi bệnh, già, chết là bất như ý? Vì không chúng sinh nào muốn mình bệnh, già và chết. Nhưng bản chất cuộc đời không ai tránh khỏi bệnh, già và chết. Do vậy, trốn chạy bệnh, già và chết bằng lối sống hưởng thụ, hoang phí, vô độ chính là con đường ngắn nhất dẫn đến nhanh bệnh, nhanh già và nhanh chết.

Trước quy luật không thể thay đổi đó, Đức Phật chỉ cho chúng sinh phương pháp tập sống an lạc với bệnh, già và chết.

Ở đây, đối diện với bệnh, sống chung an lạc với bệnh cũng đồng nghĩa sống chung an lạc với già và chết.

1/ Nguyên nhân dẫn đến thân bệnh

Đức Phật dạy, bệnh có nhiều nguyên nhân.

Đối với thân bệnh, nguyên nhân là tích tụ những thói quen không tốt từ quá khứ đến hiện tại. Nhân không tốt, duyên không tốt là gì? Là sống buông lung, truỵ lạc trong sắc dục, đam mê trong sắc dục, triền miên trong sắc dục.

Cũng vậy, thụ hưởng đời sống truỵ lạc từ thức ăn, vô độ trong ăn uống, tạo nghiệp sát trong ăn uống. Khoái lạc trong say sưa, nghiện ngập trong thuốc phiện….

Nhân như vậy, duyên như vậy sẽ đưa đến bệnh khổ nơi thân. Từ nhân đã kết tụ, gây tạo đưa đến khổ luỵ như vậy. Đức Phật khuyên chúng sinh nên chuyển nghiệp nhân xấu, duyên xấu thành nghiệp nhân tốt, duyên tốt bằng những việc làm như sau:

  • Hạn chế giết hại sinh mạng để thoả mãn cơn thèm khát ăn uống
  • Sinh hoạt có tiết độ, không truỵ lạc vào sắc dục
  • Tiêu thụ những thực phẩm đưa đến sức khoẻ bền vững cho thân thể.

Như vậy, chúng sinh sợ quả khổ là bệnh nhưng không ngăn ngừa nhân gây khổ bệnh thì khổ bệnh sẽ thường trực, nhanh đưa đến già và chết.

Đối diện với bệnh không có nghĩa đợi bệnh đến mới tập sống cùng bệnh mà phải biết ngăn ngừa để nhân bệnh không tiếp tục được gieo trồng, nếu đã lỡ gieo thì nên tạo những thuận duyên ngăn ngừa không để nó phát sinh.

Thế nào là những thuận duyên, đó là:

  • Rèn luyện thân thể
  • Tránh xa rượu, thuốc lá, những chất gây nghiện
  • Thực tập lạy Phật sám hối nghiệp chướng
  • Tuỳ theo điều kiện làm những việc lành tạo phúc, giảm tội.

Đó là những phương pháp đối trị, chuyển hoá thân bệnh.

2/ Nguyên nhân dẫn đến tâm bệnh

Tâm bệnh phát khởi là do nhân gì? Đức Phật chỉ ra rằng “tham, sân, vô minh” là độc tố gây tâm bệnh phát khởi.

Đối trị với tâm bệnh bằng phương pháp nào? Cách duy nhất Đức Phật dạy để chuyển hoá tâm bệnh là vắng mặt tham, sân và vô minh.

  • Tập sống với tâm bố thí, không tham tài sản, không khởi tâm trộm cắp.
  • Tập sống với tâm hoan hỷ, bao dung và tha thứ. Không nuôi lòng oán giận, tiếc nuối.
  • Tập nhìn cuộc đời qua lăng kính Nhân Quả, Duyên Sinh. Trau dồi trí tuệ bằng con đường học Phật.

Qua những phương pháp trên, chúng sinh có thể xây dựng hạnh phúc, bình an, tự tại ngay trong cuộc đời nhiều phức tạp này.

Sống đơn giản, ít ham muốn sẽ hoá giải những phiền phức từ nơi tâm thức mà vốn dĩ nó luôn đòi hỏi chúng ta phải phục vụ nó.

Chính niệm trong tiêu thụ, sinh hoạt. Xây dựng môi trường tu tập tốt là cách đưa tâm thoát khỏi hệ luỵ của khổ bệnh.

  • Thường nghe giáo pháp chân chính như: Duyên khởi, Bát Chánh đạo.
  • Thực tập niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Hướng tâm về cảnh giới Cực lạc để luôn có cái nhìn lạc quan tích cực.
  • Tỉnh giác nhận diện tâm, cải tạo tâm theo chiều hướng tư duy chân chính.

Do vậy, đối diện với tâm bệnh cũng đồng nghĩa ngăn ngừa những nhân duyên đưa tâm đến chỗ hoại diệt, khổ đau. Khi tâm bất an có mặt là khi đó sự khổ nơi thân cũng bắt đầu. Phương pháp đưa tâm hướng về an vui, chính niệm là cách đối trị hiệu quả và cũng là dưỡng chất để nuôi dưỡng tâm.

3/ Tương quan giữa thân và tâm

Chúng ta ý thức rằng thân và tâm luôn hỗ trợ và triệt tiêu lẫn nhau. Vì khi tâm an vui tức thân cũng an vui đó là hỗ trợ nhau.

Khi tâm bất an thì thân cũng rơi vào trạng thái bất an. Đây là sự triệt tiêu.

Dù biết thân đâu tâm đó. Thân tâm không rời nhau mà luôn đồng hành với nhau trong tiến trình “sinh, trụ, dị, diệt” nhưng tâm vẫn có vị trí quyết định, góp phần chuyển hoá bệnh khổ nơi thân.

Người bác sỹ tốt và có chuyên môn dù biết bệnh nhân mắc hiểm nghèo nhưng với trái tim và trách nhiệm luôn thể hiện bằng sự an ủi, động viên tinh thần. Đây không phải phương tiện “an tâm” thì là gì?

Khi bệnh hiểm nghèo có mặt, khổ sẽ xuất hiện, nhưng nếu tâm vững chãi, có đủ nội lực tin tưởng và hợp tác tốt với phương pháp điều trị cũng như tư duy tích cực, hướng suy nghĩ về những điều an lạc thì đã góp phần giảm thiểu khổ đau nơi thân.

Do đó, nuôi dưỡng tâm hồn bằng lối tư duy đúng, hướng tâm về sự an lạc thông qua hình tướng tôn quý của Đức Phật, chư Bồ Tát… hoặc cảnh giới an vui Cực lạc đó chính là đem tâm an trú vào an vui, hạnh phúc vững chãi. Khi đó, tâm sẽ phát huy tác dụng là lá chắn bảo hộ an toàn cho thân bệnh.

Vì vậy, đối diện với bệnh khổ nơi thân và tâm ta phải biết lắng nghe tiếng nói từ nơi thân, nơi tâm. Có lắng nghe mới hiểu được thân tâm đang cần chăm sóc như thế nào.

4/ Thuốc tốt chữa lành khổ bệnh

Dù biết bệnh, già và chết là quy luật tự nhiên vận hành không thay đổi nhưng khi sống bằng niềm tin tuyệt đối vào Tam bảo, chân thành lắng nghe và chuyển hoá những nhân duyên, thói quen không tốt của thân và tâm thì khi đó chúng sinh đã dần xây dựng cho mình phương pháp đối diện bệnh khổ. Nhờ đó, thời gian xuất hiện bệnh, già và chết sẽ được chậm lại, năng lượng an vui, lạc quan, hoan hỷ luôn có mặt.

Với phác đồ và phương thuốc tốt như vậy, chúng sinh còn lo gì không thể đối diện đầy tự tin trước khổ bệnh, khổ già và khổ chết.

Vô Trí

f77bd0f9f59a0fc4568b

 

 

 

TIN MỚI ĐƯA

Trả lời