Ngẫm về “từ thiện và lương tâm”
Người Việt Nam vốn trọng chữ “tình”. Lâm nguy không cứu không phải anh hùng. Nhưng chữ “tình”hay bản chất ”anh hùng“ không nằm ở giấy trắng mực đen, không cần “sao kê” rạch ròi hay kể lể đủ điều.
Cái tâm là thứ không thể cân đo đong đếm. Khi đã làm với cái tâm thì cứ thuận lẽ tự nhiên mà làm. Thứ duy nhất có thể thẩm sát và minh định cái tâm rộng hay hẹp, tốt hay chưa tốt đó chính là NHÂN QUẢ.
Bạn có tin nhân quả không? Nếu không thì miễn bàn ở đây rồi. Nếu có thì bạn đừng vội phán xét hoặc cật vấn một người hay một điều gì nếu bạn chưa hiểu rõ về họ và việc họ làm.
Lúc này điều cần làm là nhìn sâu vào bản chất cuộc sống để cảm thông và nhìn ra cơ hội làm việc thiện còn nhiều lắm. Vì thiên tai, dịch bệnh, bất hạnh vẫn chưa hết. Cố nhiên không ai muốn mình mãi là người chịu ân và cũng không hẳn tất cả đều muốn trở thành “anh hùng thời loạn”. Nhưng cái tình của dân tộc Việt không thể thấy khổ mà không cứu. Họ làm hết mọi cách, hy sinh hết mọi điều dù phải chịu thiệt thòi miễn là đồng bào an ổn, cuộc sống bình yên.
Nếu bạn dùng lăng kính “hiểu và thương” của dân tộc để nhìn một cá nhân chắc bạn sẽ dễ dàng cảm thông, tha thứ cho những vội vàng, sơ xuất khi “cái tình” được đặt lên trên tất cả mọi thứ. Tình dân tộc, nghĩa đồng bào; tình mến nước thương non; họ đã đem cái tình đó đi theo tiếng gọi Tổ quốc, biến cái tình thành sức mạnh tinh thần vật chất chia sẻ đến những mảnh đời khó khăn. Có lẽ khi làm bằng cái “tâm”và cái “tình” họ chỉ biết sống chết với “từ thiện và lương tâm” mà không nghĩ đến chuyện phải “sao kê” thời gian, công sức, mồ hôi, nước mắt, danh dự… chắc hẳn là không rồi!
Xã hội cần mình bạch, cuộc sống cần trong sạch đó là thông điệp chuẩn xác trong bất kỳ quốc độ nào. Nhưng “không vì một vài con sâu mà chặt bỏ cả cánh rừng”; hậu quả của sự thiếu hiểu biết sẽ là khôn lường khi “từ thiện và lương tâm” bị xuyên tạc, bóp méo.
Không ít người sẽ “dị ứng” khi nghe đến lời kêu gọi hiệu triệu “từ thiện vì người nghèo, chất độc da cam, thiên tai bão lũ” vì “ai ai cũng sợ chết; ai cũng sợ gươm đao, suy lòng mình ra người; chớ giết chớ bảo giết” (trích Kinh Pháp Cú, kệ ngôn số 129-130) nhất là lòng tin con người bị đạp đổ chỉ vì thiếu hiểu và thương.
Bạn có thể đồng thuận hoặc không đồng thuận, nhưng đừng để quan kiến cá nhân ảnh hưởng đến niềm tin của cả dân tộc. Và điều cần yếu là có “Chánh kiến, Chánh tư duy” trong việc thẩm tra, suy xét những ý kiến trái chiều đang tác động tiêu cực làm xói mòn lòng tin giữa con người với con người; giữa cá nhân với tập thể.
Nếu bạn là người có ảnh hưởng, có quyền lực chắc bạn sẽ rất cần sự thận trọng khi đưa ra luận điểm về một ai đó. Vì biết đâu những điều bạn nhận định cũng là biểu hiện của chính bạn, nhờ người đó bạn mới thấy được con người thật của mình. Cho nên Cổ Đức dạy”trước khi nói hay làm cần suy xét thấu đáo”; và Đức Phật cũng dạy” đừng vội tin vì là truyền thống, đừng vội tin vì đó là người có ảnh hưởng, đừng vội tin vì đó là số đông, đừng vội tin vì đó là tuyên truyền…” (trích Kinh Tăng Chi III, Kinh Kalama, tr.65).
Lúc này, hơn bao giờ hết cần chuyển hoá những hành động, lời nói xuyên tạc, khiêu khích, bình tĩnh nhìn vào bên trong nội tâm mỗi người. Chân lý muôn đời vẫn là chân lý. Bản chất “cái tâm” và “anh hùng” là sự thầm lặng hy sinh phụng sự cho những gì thiêng liêng cao đẹp mà không cần phải thể hiện ở giấy bút, câu từ. Sự đánh giá chuẩn xác nhất là ở sự vững chãi của bạn, đừng đánh mất sự tự tin và bản lĩnh của mình. “Từ thiện và lương tâm” nếu đặt trên nền tảng “hiểu và thương” sẽ sống mãi với chân lý, vì chân lý thuộc về dân tộc, thuộc về Nhân quả.
Vô Trí – Tâm Hoà

TIN MỚI ĐƯA

Trả lời